NHỮNG HIỂU LẦM VỀ ĐỒ DA MÀ BẠN NÊN BIẾT SỚM HƠN
-
Người viết: Vân Anh
/
Đồ da là những vật dụng góp phần hoàn thiện vẻ sang trọng và nói lên “gu” thẩm mỹ của mỗi người. Chúng bền nhưng lại không phải là những món đồ dễ chiều. Nếu hiểu và biết cách dùng, món đồ da của bạn có thể trở nên ngày càng đẹp hơn trong hàng chục năm thậm chí hơn. Ngược lại, nếu dùng sai thì có giá trị cao cũng có thể dễ dàng hỏng hoặc xuống cấp chỉ trong thời gian ngắn.
Chúng ta cùng điểm qua những sai lầm thường gặp nhất khi sử dụng đồ da:
1. Nhét đồ quá chật, đè/nén
Một trong những tính chất mà mọi loại chất liệu giả da dù được phát triển đến mức độ nào cũng không thể có được chính là tính đàn hồi.
Tuy nhiên, không vì vậy mà chúng ta lại ngây thơ cho rằng có thể nhét, độn quá mức chịu đựng của túi/ví da và rồi nó sẽ nhanh chóng đàn hồi trở lại.
Tính đàn hồi của da đảm bảo cho bề mặt và cấu trúc da có thể hồi phục sau những tổn thương/ tác động vừa phải. Còn các trường hợp cố tình nhét đồ vượt hẳn mức đề xuất của sản phẩm hoặc đè/nén sản phẩm dưới khối lượng lớn và thời gian dài – chúng tôi xin được phép gọi đó là “ngược đãi”. Cách sử dụng này sẽ làm cho cấu trúc da bị phá hỏng, thời gian hồi phục không đủ lại tiếp tục bị chèn dẫn tới biến dạng, thay đổi hoàn toàn hình dáng và thiết kế ban đầu.
Lời khuyên là hãy lưu ý giới hạn công năng của từng sản phẩm và chỉ sử dụng trong giới hạn đó, không đè/nén bằng các vật nặng, không kéo dãn/căng liên tục bằng lực.
2. Cho rằng “Da đắt tiền và bền nên cứ tiếp xúc nước thoải mái”
Câu trả lời dứt khoát là “Không”. Da thật là thứ nguyên liệu kị nước. Nước, ẩm, quá nhiều mồ hôi,…sẽ khiến cho da tổn thương, làm giảm tuổi thọ và vẻ đẹp trên bề mặt da.
Trong trường hợp món đồ da của bạn không may bị ẩm hoặc ngấm nước. Hãy đảm bảo là bạn sẽ không bao giờ phơi dưới nắng hoặc sấy nó. Việc này sẽ làm cho món đồ da yêu quý của bạn hỏng nhanh hơn và không thể nào cải thiện được do khô đến mức nứt da, biến dạng da.
Nếu bị ẩm nhẹ, bạn có thể vò một ít giấy để độn vào các ngăn bên trong rồi để sản phẩm khô tự nhiên trong nhiệt độ phòng. Sẽ tuyệt hơn nếu bạn có túi hút ẩm. Và hãy kiên nhẫn! Đồ da sẽ đi cùng bạn suốt thời gian dài, vì vậy bạn cũng đừng hối thúc nó quá nhé.
3. Vô tư đặt túi/ví da xuống sàn/nền đất.
Sàn nhà, nền đất là nơi có độ ẩm khá cao và dễ dàng khiến cho sản phẩm da của bị bạn ẩm, bẩn và sờn cạnh, trầy xước da. Bạn có thể cho rằng mỗi ngày vài tiếng và không liên tục thì không sao cả. Nhưng, tin tôi đi, thực tế là chuyện này không tốt chút nào cho đồ da đâu. Và cho đến khi bạn nhận ra chiếc ví của mình bị ảnh hưởng bởi việc đó thì thường là bạn gần như không thể phục hồi nó nguyên vẹn như ban đầu được nữa.
Thêm vào đó, theo những người có nghiên cứu và tin theo Luật Phong thủy thì việc để túi/ví dưới sàn, nền hoàn toàn không tốt cho vận tài của bạn.
4. Tránh tiếp xúc với các loại chất bẩn, hóa chất, màu vẽ,…
Bạn có biết những “kẻ thù” của da nhưng lại rất gần gũi với chúng ta, luôn có trong mọi căn nhà không? Bạn đúng rồi! Chính là bút bi và nước hoa. Nếu nhỡ tay quẹt bút bi lên da, 95% khả năng là bạn không thể lau sạch vết tích đó.
Còn nước hoa, ngoài chuyện dây ẩm cho ví thì thành phần chính của nước hoa là cồn sẽ khiến cấu trúc của da tổn thương còn nhanh và nặng hơn là nước. Chưa kể các thành phần tạo màu của nước hoa cũng được tính như các loại hóa chất làm thay đổi màu da và không thể lau sạch được.
5. Da chịu nhiệt tốt hoặc Da đốt không cháy:
Đúng! Da chịu nhiệt tốt hơn các chất liệu giả da khác. Nhưng “Da đốt không cháy” là một tư duy hoàn toàn sai.
Lời khuyên là dù da chịu nhiệt tương đối tốt. Nhưng nó hoàn toàn có thể bị biến dạng, co,…khi tiếp xúc nguồn nhiệt cao. Đây cũng chính là lý do mà ở mục 1, chúng ta khuyên nhau rằng hãy để đồ da khô tự nhiên ở nhiệt độ phòng chứ không được phơi nắng hay sấy nhiệt.
Về cơ bản, trên đây là 5 quan điểm nhầm lẫn về đồ da mà chúng ta thường mắc phải. Thực ra, da thật là một ngành rất rộng. Không ai có thể tự hào cho rằng họ đã hiểu hết về da. Nhưng qua những thông tin trên, chúng tôi mong là đã giải thích và giúp các bạn tránh được những nhầm lẫn không đáng có.